Chàng kỹ sư lập trình Nguyễn Duy Công quyết định từ bỏ mức lương hàng chục triệu đồng/tháng để về vùng quê trồng chuối; còn chàng kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Thanh Liêm lại đưa giống mít, bưởi về cải tiến về giống và kỹ thuật cao hơn...
Anh Nguyễn Duy Công chuyển hướng trồng giống chuối tiêu hồng phục vụ thị trường nội địa. |
Thử sức cùng cây chuối
Sinh năm 1983, chàng kỹ sư lập trình Nguyễn Duy Công bất ngờ quyết định từ bỏ mức lương hàng chục triệu đồng/tháng để về vùng quê Cảnh Hưng (Tiên Du, Bắc Ninh) trồng chuối vào năm 2014. Anh Công chia sẻ: “Lúc ấy, mỗi lần nhìn thấy cánh đồng đất bãi ven sông mênh mông, màu mỡ, người dân chỉ trồng cây ngô năng suất và giá trị rất thấp tôi cứ băn khoăn mãi.
Lác đác có vài hộ trồng chuối quy mô nhỏ, nhưng hiệu quả chưa cao, tôi muốn về quê để gần gia đình và cũng là thử làm giàu từ đồng đất quê hương”.Thế rồi sau vài lần giao lưu tìm hiểu, nhận thấy cây chuối tây Thái Lan với đặc tính dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, cho giá trị kinh tế cao, rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi này.Năm 2015, anh thuê 20 ha đất để bắt đầu trồng chuối và trải qua những vụ đầu thất bại khi chuối không đều nải, có lúc thu hoạch rộ bị thương lái ép giá.Theo anh, trồng chuối bình dân thì đơn giản nhưng để buồng chuối mã đẹp và ra đúng thời vụ mới khó, bởi tính thời điểm quyết định giá trị của sản phẩm rất nhiều.
Sau đó, anh Công chủ động tìm hiểu thật kỹ trên mạng, tham quan, trao đổi với những mô hình trồng chuối, thành lập HTX nông nghiệp và thủy sản Cảnh Hưng để cùng một số thành viên giao lưu sản xuất.Dần dần, anh đã làm chủ kỹ thuật cho ra những buồng chuối đẹp, quả mẩy, to đều và điều khiển 50% diện tích trồng chuối bán Tết, sản phẩm được thu gom tận vườn và tiêu thụ hết. Với 4 vạn gốc chuối, sản lượng 800 tấn chuối/ năm, cho doanh thu hơn 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động. Từ thành công của mình, anh cũng chia sẻ kinh nghiệm với người dân địa phương.
Đến thời điểm này, khi thị trường xuất khẩu nhiều rủi ro, chi phí cao hơn, anh chuyển dần sang trồng giống chuối tiêu hồng thay cho giống chuối Thái Lan phục vụ thị trường nội địa. Anh cũng đang nghiên cứu phương thức chế biến sản phẩm tham gia chương trình OCOP để nâng cao giá trị nông sản.
Đam mê công nghệ cao
Trái ngược với trường hợp “tay ngang” của anh Nguyễn Duy Công, chàng trai Nguyễn Thanh Liêm, sinh năm 1988 lại lập nghiệp ở thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn (Tiên Du) với vốn kiến thức đúng chuyên ngành kỹ sư nông nghiệp.Lớn lên cùng gốc mít, gốc bưởi.. của vùng đất ven núi, Liêm vẫn tiếp tục duy trì những loài cây này tại khu vườn của mình nhưng với sự.Đó là việc đưa về giống mít Thái với ưu điểm thời gian cho thu hoạch nhanh, năng suất cao, múi mọng và giòn ngọt, thích hợp chế biến công nghiệp; giống ổi Ruby ít hạt, vỏ giòn, tỷ lệ đậu trái cao. Cây ăn quả được trồng xen canh, gối vụ, bảo đảm mùa nào thức nấy. Đặc biệt, anh xây dựng khu nhà màng diện tích 2.500 m2 với hệ thống phun tưới tự động chuyên trồng loại cây ăn quả cao cấp như dưa lưới, cà chua bi...
Đầu năm 2020, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng đối với loại nho không hạt, anh Nguyễn Thanh Liêm mua 80 gốc nho xanh không hạt và nho tím không hạt từ Đại học Nông lâm Bắc Giang để về trồng thử nghiệm.Nhờ chăm sóc tỉ mỉ, vụ đầu tiên thu hoạch, mỗi gốc cây cho trung bình 5kg quả; với màu đặc trưng của từng giống, hình tròn, vỏ mỏng căng bóng, giòn, ngọt, thơm với giá bán trung bình 120.000 đồng/kg, cho doanh thu cao gấp 5 lần so với trồng rau trước đây.
Sau khi làm chủ kỹ thuật chăm sóc nho, anh mở rộng quy mô lên 1.500 gốc, trong đó có 1.100 cây nho đen, 400 cây nho xanh và từ năm thứ 2 trở đi cho thu hoạch 2 vụ/ năm.Đặc biệt, với mong muốn đưa thực phẩm sạch, có chất lượng tốt đến người tiêu dùng, anh làm hồ sơ đề nghị 2 sản phẩm nho xanh không hạt và nho tím không hạt được cấp chứng nhận VietGAP, tạo cơ hội tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch.
Anh Liêm nhấn mạnh: “Người nông dân hiện đại là phải biết tận dụng lợi thế các kênh bán hàng online như Facebook, Zalo, sàn giao dịch trực tuyến… mở rộng mạng lưới khách hàng. Việc thường xuyên đăng tải hình ảnh từ lúc trồng, chăm sóc, thu hoạch giúp sản phẩm của tôi được khách hàng tin tưởng hơn.Đây cũng là điều kiện để tôi triển khai mô hình du lịch trải nghiệm cùng vườn nho, tăng thêm thu nhập”. Ngoài ra, anh còn liên kết với các hộ dân để thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh trên diện tích 5ha chuyên trồng các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, cho thu lãi mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.
Dù làm ra sản phẩm cây ăn quả với sản lượng và phẩm cấp tốt, những HTX này vẫn mong muốn tiếp cận được các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng sản xuất, mua vật tư, phân bón trong điều kiện chi phí đầu vào tăng cao. Đặc biệt là việc giới thiệu quảng bá sản phẩm cũng như tìm kiếm thị trường, kết nối bao tiêu đầu ra ổn định… Có như vậy mới tạo điều kiện cho thế hệ Giám đốc HTX trẻ yên tâm sản xuất, mở rộng thêm diện tích và tạo bứt phá cho phong trào kinh tế tập thể của địa phương.
Đăng nhận xét