Cùng với quá trình phát triển về mã số vùng trồng, việc xây dựng vùng nguyên
liệu tập trung, chuyên canh có thể giúp các địa phương tạo ra số lượng sản phẩm
lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn. Nhận thức được điều đó, chính quyền và người
dân xã Cảnh Hưng (Tiên Du) đang tích cực tận dụng lợi thế có sẵn về thổ nhưỡng,
kinh nghiệm thâm canh xây dựng vùng trồng nhằm chinh phục Nhãn hiệu tập thể
Chuối Cảnh Hưng. Hiện nay, toàn xã Cảnh Hưng có 101 ha với gần 500 hộ trồng
trồng chuối, tập trung chủ yếu tại bãi bồi thôn Rền, thôn Thượng... Tuy nhiên,
trên địa bàn mới chỉ có HTX nông nghiệp và thủy sản Cảnh Hưng và khoảng 3-4 hộ
dân quy vùng sản xuất quy mô lớn hơn 10 ha, còn lại chủ yếu vẫn nhỏ lẻ. Vì vậy
phương thức trồng chuối chưa đồng nhất, các hộ tự trồng, chăm sóc theo kinh
nghiệm, khó kiểm soát quy trình chất lượng và hình thành các chuỗi giá trị.
Ngoài ra, giá đầu vào nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... liên
tục tăng, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, nhưng khả năng tiếp cận chính sách hỗ
trợ để giảm bớt chi phí của các hộ dân nhỏ lẻ còn rất hạn chế.
Người dân xã Cảnh Hưng chăm sóc cây chuối |
Theo ông Nguyễn Bá Dũng, người dân thôn Rền, xã Cảnh
Hưng, những năm trước trồng chuối tại đây cho thu nhập cao gấp 3 lần so với các
loại cây ngô, đậu tương, được thương lái về mua tận vườn với giá cao. Tuy nhiên,
sau khi thị trường thu mua tự do đi Trung Quốc chững lại, nhiều hộ dân mong muốn
cung cấp cho thị trường nội địa, nội tỉnh với lượng lao động dồi dào. Còn ông
Nguyễn Hữu Thắng, một người cùng thôn có kinh nghiệm lâu năm trồng các giống
chuối tây Thái Lan, tiêu hồng cho sản lượng ổn định gần 1 tấn/ sào. Tuy nhiên,
do chưa có thương hiệu, sản phẩm chưa được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng
tiện lợi cũng như xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quốc tế. Vì vậy, mong
muốn lớn nhất của người dân hiện nay là được chính quyền địa phương, cơ quan
chức năng hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để nâng cao khả năng
tiếp cận thị trường nội địa và xuất khẩu ổn định. Thực hiện Dự án “Xây dựng,
quản lý và quảng bá thương hiệu cho 1 sản phẩm nông nghiệp của huyện Tiên Du,
tỉnh Bắc Ninh, cụ thể là sản phẩm Chuối Cảnh Hưng, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du”
Sở Khoa học và Công nghệ đang đề nghị đơn vị tư vấn là Viện Thổ nhưỡng Nông hóa
đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ như khảo sát, điều tra, hoàn thiện thủ
tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể. Đồng thời,
sẽ đưa ra quy chế, quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế
khuyến cáo cho người dân thực hiện. Về phía địa phương, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ
tịch Hội Nông dân xã Cảnh Hưng – chủ thể dự kiến của Nhãn hiệu tập thể Chuối
Cảnh Hưng cho biết: “Hội nông dân xã đang vận động người dân dồn đổi diện tích
sản xuất để mở rộng quy mô, tạo thuận lợi cho việc hình thành vùng trồng đồng
loạt cùng giống, quy trình chăm sóc, phân bón, vật tư... Phối hợp với các cơ
quan chuyên môn, các viện nghiên cứu cây trồng, doanh nghiệp đưa giống mới có
năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn
với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, xây dựng mô hình điểm về vùng
sản xuất an toàn, chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi của thị trường nhất là trong
điều kiện chuối Cảnh Hưng được bảo hộ Nhãn hiệu tập thể”. Chia sẻ khi tham gia
tập huấn về truy xuất nguồn gốc cho người dân Cảnh Hưng vào tháng 11 vừa qua,
ông Nguyễn Minh Tân, chuyên gia Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh: “Việc hình thành vùng
nguyên liệu sẽ giúp cho các doanh nghiệp, HTX chủ động trong kế hoạch sản xuất
và kiểm soát được nguồn nguyên liệu về thời gian, số lượng và chất lượng của sản
phẩm. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu hàng
hóa tập trung quy mô lớn và ổn định, các chủ thể cần phải nâng cao năng lực về
tài chính, hệ thống kho bãi, dây chuyền sản xuất, chế biến… và chủ động được đầu
ra của sản phẩm khi mở rộng vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo
cả hình thức trực tiếp và trực tuyến để mở thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm đặc
trưng tới người tiêu dùng, qua đó, tạo sự liên kết trong cân đối cung - cầu”.
Tin rằng, cùng với việc được cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Chuối Cảnh
Hưng, địa phương sẽ sớm xây dựng được các vùng trồng, tiến tới việc gắn mã số
nhằm chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, phát huy tối đa giá trị của cây chuối
trong đời sống của người dân nơi đây.
Đăng nhận xét